Lãng phí do lỗi sản phẩm (Tiếng Anh: Defect) là một trong 7 loại lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, theo Sản xuất Tinh Gọn – LEAN. Việc giải quyết tốt lãng phí do sai lỗi sản phẩm ngay trong quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm và dịch vụ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hoạt động và hạ giá thành sản phẩm, Nâng cao năng lực cạnh tranh, hình ảnh và tính chuyên nghiệp cho doanh nghiệp.
Ảnh hưởng và tác động từ lãng phí do lỗi sản phẩm
Sai lỗi trong quá trình sản xuất kinh doanh sẽ có thể ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của khách hàng, đến uy tín của doanh nghiệp thông qua việc khiếu nại của khách hàng về chất lượng không phù hợp, thời gian giao hàng chậm, v.v.
Điều này, sẽ có thể buộc khách hàng phải chờ cho tới khi có hàng, do đó, có thể làm mất đi thiện chí muốn hợp tác với doanh nghiệp trong tương lai của khách hàng. Nếu không có sẵn hàng thì sẽ mất đi cơ hội bán hàng.
Khách hàng bên ngoài khiếu nại gia tăng đồng nghĩa với sự thoả mãn khách hàng giảm. Khách hàng nội bộ thì căng thẳng, uể oải, mất tự tin trong sản xuất, nhất là sửa chữa hàng hỏng, mất lòng tin vào quản lý sản xuất.
Việc sai lỗi còn dẫn đến nguy cơ làm nghẹt dòng chảy của quá trình sản xuất, dẫn đến trường hợp chờ đợi, công đoạn sau không có nguồn nguyên liệu, sản phẩm để tiếp tục sản xuất, hàng bán thành phẩm còn nhiều trên chuyền.

Với việc phát sinh sai lỗi trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải mất thêm nhiều khoản chi: ví dụ chi phí để xử lý các sai lỗi, chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công của công đoạn trước đó, chi phí năng lượng tạo ra sản phẩm, chi phí nhân công để khắc phục sai lỗi, v.v.
Thông thường, các doanh nghiệp chỉ mới quan tâm đến chi phí khắc phục các sai lỗi mà chưa tính đến các chi phí (nhân công, năng lượng, nguyên vật liệu, v.v.) tạo ra sản phẩm trước đó. Đối với các doanh nghiệp có dạng bố trí sản xuất hàng loạt, các sai lỗi trên sản phẩm sau khi sản xuất là rất nghiêm trọng, nếu khách hang phát hiện được.
Do đó, bản thân mỗi nhân viên, công nhân ở mỗi công đoạn, khu vực phải tự kiểm tra và đồng thời thực hiện kiểm tra công đoạn trước đó.
Số lượng sản phẩm bị sai lỗi tăng thì các chỉ tiêu hiệu quả khác cũng giảm sút. Khi lãng phí sai lỗi gia tăng đáng kể thì nhân viên kiểm tra chất lượng thường tăng cường kiểm tra để ngăn chặn sai lỗi không đến tay khách hàng.
Từ đó tăng tồn kho, tăng số lượng để bù sản phẩm khuyết tật và chờ đợi cũng buộc phải gia tăng (do phải chờ sản xuất lại bù cho những sản phẩm bị sai lỗi). Ngoài ra, sai lỗi làm cho năng suất tổng thể giảm và chi phí nguyên vật liệu tăng lên, giảm cấp của sản phẩm.

Nguyên nhân gây ra lãng phí do sai lỗi sản phẩm
– Các yếu tố đầu vào của một quá trình sản xuất, kinh doanh tại bất cứ doanh nghiệp hay tổ chức nào là: Con người, Nguyên vật liệu, Máy móc thiết bị, Phương pháp và Môi trường. Đây cũng chính là các nhóm nguyên nhân cốt lõi ra gây các sai lỗi tại doanh nghiệp và các nguyên nhân gây ra sai lỗi thì muôn hình vạn dạng, mỗi doanh nghiệp, mỗi tình huống có thể giống hay khác nhau.
Tuy nhiên, một điều chắn chắn rằng sai lỗi sẽ xảy ra nếu như máy móc không tốt, công nhân chưa được huấn luyện, làm sai thao tác, các dụng cụ đo không đúng, môi trường làm việc không phù hợp ảnh hưởng đến công nhân viên. Để loại bỏ được lãng phí do sai lỗi gây ra cần đảm bảo việc làm đúng ngay từ công đoạn kiểm tra đầu vào cho đến suốt quá trình sản xuất.
– Các sai lỗi đến từ nhóm yếu tố con người có thể là do người thao tác và làm việc trực tiếp tại công đoạn đó không chú ý hoặc không nhận thức được đầy đủ các yêu cầu của loại sản phẩm đó, không tuân thủ các quy định hoặc bỏ qua các thao tác vận hành chuẩn.

– Khuyết tật xảy ra do sự sai sót của con người vô tình hay cố ý, sự dao động vượt quá dung sai chế tạo cho phép, hoạt động của máy móc thiết bị thiếu ổn định, dụng cụ đồ gá gây ra khuyết tật. Nguyên nhân cũng có thể do họ thiếu được đào tạo, hướng dẫn, v.v. cán bộ quản lý không quan tâm hoặc thiếu kiểm soát, quản lý cũng sẽ góp phần gia tăng các sai lỗi trong doanh nghiệp.
– Máy móc, thiết bị không đảm bảo, bị hư hỏng sẽ dẫn đến các sản phẩm, dịch vụ từ loại máy móc, thiết bị đó cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hoặc phương pháp thực hiện chưa phù hợp, như phương pháp hướng dẫn đo lường chưa đúng dẫn đến kết quả đo lường sẽ không đảm bảo, hoặc phương pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiện tại chỉ mới tập trung kiểm tra ở công đoạn cuối cùng hoặc quy định mỗi nhân công chỉ có trách nhiệm sản xuất ra sản phẩm mà không quan tâm đến chất lượng, yếu tố chất lượng hoàn toàn do bộ phận chất lượng chịu trách nhiệm, phương pháp xếp dỡ hàng hóa không phù hợp sẽ làm tăng thêm các sản phẩm lỗi, v.v…
Ví dụ: Một số sai lỗi có thể gặp phải tại một doanh nghiệp cơ khí, lắp ráp do đặc điểm của khu vực làm việc: Các lỗi lắp ráp (phần không phù hợp) do bàn làm việc bị kẹt với các bộ phận từ những mô hình/loại khác nhau, phần bị sót trong quá trình lắp ráp, các bộ phận không thể được xác định và tìm thấy được trên bàn; Vết trầy xước trên các bộ phận trên bàn làm việc (bụi bẩn, các bộ phận, v.v.). Các bộ phận hư hỏng, vô dụng vì bẩn, xước; Lỗi lắp ráp do không thực hiện theo đúng trình tự
Giải pháp loại bỏ lãng phí do sai lỗi sản phẩm
Tùy theo nguyên nhân phát sinh sai lỗi mà doanh nghiệp sẽ có những hành động khắc phục, hành động phòng ngừa tương ứng để có thể loại bỏ các sai lỗi ra khỏi quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dưới đây, sẽ nêu một số hướng giải pháp đối với các tổ chức, doanh nghiệp có phát sinh sai lỗi trong quá trình sản xuất kinh doanh của họ.
(1) Xác định nguyên nhân gốc rễ của sai lỗi trong quá trình sản xuất kinh doanh. Việc kiểm tra chỉ là cách phân loại các sản phẩm bị sai lỗi, không phải là giải pháp để loại bỏ nguyên nhân sự lãng phí này.
Có thể ứng dụng biểu đồ Pareto để xác định được những vấn đề trọng yếu cần ưu tiên giải quyết, giúp cho doanh nghiệp định hướng được các giải pháp và là cơ sở đối chiếu so sánh sự việc trước và sau khi xử lý thông qua việc sử dụng các cột để minh hoạ các hiện tượng, nhóm lại các dạng như là các khuyết tật, tái sản xuất, sửa chữa, khiếu nại, tai nạn và hỏng hóc.
(2) Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho mỗi quá trình (công đoạn), tại đây có thể đánh giá chất lượng bằng kỹ thuật thống kê (phiếu kiểm tra, tổng hợp thống kê lỗi qua các kỹ thuật thống kê quá trình) sẽ đánh giá quá trình đang ổn định hay mất ổn định, cần tập trung kiểm soát ở đâu.
(3) Soạn thảo, ban hành và đưa vào áp dụng các hướng dẫn công việc, chuẩn hóa các thao tác cho tất cả các công đoạn, khu vực. Ưu tiên thực hiện trước cho các công đoạn phát sinh nhiều sai lỗi. Tùy theo đặc thù của mỗi doanh nghiệp mà các hướng dẫn, quy định này có thể thể hiện bằng lời, bằng hình ảnh hay bằng video.
Tuy nhiên, dù sử dụng phương pháp nào thì sau khi ban hành các quy định này, doanh nghiệp cần lưu ý đến phương pháp đào tạo, huấn luyện và giám sát việc thực hiện các quy định, hướng dẫn này.
(4) Xây dựng cẩm nang chất lượng, trong đó nêu các vấn đề mà doanh nghiệp thường gặp hoặc có thể gặp phải, tương ứng đó là các hành động khắc phục, phòng ngừa tương ứng để toàn thể cán bộ có thể tham khảo và chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các tình huống này khi xảy ra.
(5) Đào tạo, thay đổi nhận thức của công nhân để mỗi công nhân là người kiểm tra chất lượng. Bởi công nhân tự kiểm tra sẽ kịp thời được phát hiện khuyết tật, không làm ngưng trệ quá trình sản xuất. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải có chuẩn mực cho công việc và công nhân nắm bắt thấu đáo chuẩn mực đó; và luôn có sự giám sát, hỗ trợ của bộ phận kiểm soát chất lượng.
(6) Áp dụng các công cụ, mô hình loại bỏ lãng phí do sai lỗi/khuyết tật:
– Phương pháp phòng chống sai lỗi Poka Yoke;
– Bẩy công cụ kiểm soát chất lượng vào quá trình phân tích và kiểm soát lỗi;
– Mô hình Nhóm huấn luyện (TWI -Training Within Industry) vào doanh nghiệp với ba chương trình gồm Kỹ năng chỉ dẫn công việc (JIT), Kỹ năng quan hệ trong công việc (JRT), và Kỹ năng cải tiến công việc (JMT);
– Sản xuất theo dòng chảy sản phẩm và tiến tới dòng chảy một sản phẩm. Khi đó dễ phát hiện khuyết tật nếu xảy ra.
Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin cụ thề về 7 Loại Lãng Phí Trong Lean – Lãng Phí Do Sản Xuất Dư Thừa.
Trong quá trình quản lý sản xuất, nếu doanh nghiệp muốn áp dụng hệ thống quản trị andon, một hệ thống không thể thiếu trong khái niệm Sản xuất Tinh gọn, cũng như hỗ trợ sản xuất hiệu quả trong dây chuyền sản xuất tự động và làm giảm được 7 lãng phí, được nhiều nhà máy đánh giá cao, đặc biệt đối với những nhà máy, xi nghiệp có quy mô lớn, xin liên hệ với chúng tôi qua Hotline 090.125.8778 hoặc Tổng đài 1900 545456 để được tư vấn cụ thể.
>>> Xem thêm về hệ thống Andon <<<THÔNG TIN LIÊN HỆ
𝐕𝐏 𝐂𝐡í𝐧𝐡: 340/16 Lê Văn Quới, KP 11, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, Tp.HCM
𝐕𝐏 𝐌𝐢ề𝐧 𝐁ắ𝐜: G4-TT10 Đường Foresa 8, KĐT Xuân Phương, P. Xuân Phương, Q .Nam Từ Liêm, HN
𝐕𝐏 𝐌𝐢ề𝐧 𝐓𝐫𝐮𝐧𝐠: 102 Đường Kinh Dương Vương, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng.
𝐕𝐏 𝐌𝐢ề𝐧 𝐓â𝐲: D2-27, KDC 586, Đường Lê Văn Tưởng, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, Tp. Cần Thơ.
Email: quangadsun@yahoo.com
SĐT: 090.125.8778 hoặc Hotline: 𝟭𝟵𝟬𝟬 𝟱𝟰 𝟱𝟰 𝟱𝟲